90% mật ong Việt Nam xuất khẩu là Mỹ và chỉ 5% dành cho châu Âu trong khi nhu cầu hai thị trường này tương đương và cơ hội đang mở ra.
Điều quan trọng là hiện tại sản lượng sản xuất
mật ong ở Châu Âu đang sụt giảm và đó là cơ hội lớn cho các nhà nuôi ong từ các quốc gia như Việt Nam.
Thông tin trên được ông Đinh Quyết Tâm, Phó chủ tịch Hội nuôi ong Việt Nam (VBA) đưa ra tại hội thảo "Duy trì và mở rộng thị trường đối với mật ong của Việt Nam xuất khẩu vào EU" do văn phòng SPS và Dự án hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư châu Âu (EU-MUTRAP) tổ chức ngày 1-11 tại TP.HCM.
Theo VBA, sản lượng mật ong của Việt Nam trong năm 2016 đạt gần 50.000 tấn, xuất khẩu 40.174 tấn trong đó xuất khẩu đi châu Âu chỉ có 1.330 tấn.
Tính từ đầu năm đến 15-9-2017, Việt Nam đã xuất khẩu 29.000 tấn mật ong các loại, trong đó thị trường châu Âu chỉ 1.469 tấn.
Dù lượng xuất khẩu vào châu Âu trong 10 tháng đầu năm 2017 đã vượt qua số lượng của cả năm 2016 nhưng thị trường này vẫn chỉ chiếm một tỉ lệ khiêm tốn (5%) trong cơ cấu xuất khẩu mật ong của Việt Nam.
Ông Đinh Quyết Tâm cho hay, dù được EU cho phép xuất khẩu trở lại vào năm 2013 nhưng lượng mật ong Việt Nam sang thị trường này còn nhiều hạn chế vì các yếu tố về chất lượng như nấm men, dư lượng thức ăn, màu sắc....
Nguyên nhân là người dân thu hoạch mật ong khi mật chưa đủ độ chín, dùng thức ăn bổ sung không đúng cách, thiếu hiểu biết về chất lượng và xu hướng thị trường là không GMO (thực phẩm biến đổi gen).
Để tăng cường xuất khẩu mật ong vào EU trong thời gian tới, các nhà nuôi ong và chế biến mật ong tại VN cần khắc phục các điều kiện này.
Theo MUTRAP, do chị phí lao động tại EU cao và hiện tượng suy giảm số lượng đàn ong tại Châu Âu, EU trở thành thị trường đầy hứa hẹn đối với mật ong từ các nước đang phát triển.
Mặc dù trong những năm gần đây, nền kinh tế Châu Âu có dấu hiệu sụt giảm, tuy nhiên mật ong vẫn được tiêu thụ với khối lượng lớn, khoảng 247.700 tấn.
Khoảng 25 năm trước, Việt Nam là nhà cung cấp mật ong lớn cho thị trường Châu Âu với các thị trường mật ong chính là Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Bỉ, Hà Lan với khối lượng khoảng 3.000 tấn mỗi năm.
Tuy nhiên đến năm 2007, mật ong Việt Nam bị cấm nhập do không đạt yêu cầu và không tuân thủ theo các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thị trường EU hiện tại vẫn là khách hàng lớn nhất toàn cầu về mật ong, chiếm 22% tổng tiêu thụ toàn cầu, trong đó Đức đứng đầu, chiếm 23% tổng số mật ong tiêu thụ ở Châu Âu (khoảng 85.000 tấn), Anh khoảng 12%, Pháp 10%...
Sản xuất mật ong Châu Âu trong năm 2013 đạt 209.000 tấn, gần như tương đương với năm 2009.
Sự sụt giảm trong sản xuất Châu Âu chủ yếu là do sự suy giảm trong đàn ong, mà phần lớn là do các dịch bệnh ong và việc sử dụng hóa chất nông nghiệp thâm canh có thể làm ong chết. Và đó là cơ hội cho các nhà xuất khẩu như Việt Nam.