Tại sao bị dị ứng với mật ong là câu hỏi không ít bạn dùng mật ong hỏi. Không nhiều người bị dị ứng với mật ong và hai nguyên nhân phổ biến nhất là dị ứng với phấn hoa hoặc với protein có trong mật ong.
Tại sao bị dị ứng với mật ong?
Mật ong là sản phẩm do loài ong tạo ra bằng cách thu thập mật hoa. Thành phần chính của chế phẩm này là carbohydrate (glucozo; fructozo) và một số hoạt chất có lợi khác như: axit amin, các chất chống oxy hóa, vitamin và khoáng chất (sắt, canxi, kali, magie...). Những thành phần này giúp mật ong trở thành một liệu pháp chăm sóc sức khỏe tự nhiên, có tác dụng giảm triệu chứng ho, cảm lạnh, cảm cúm, trị bỏng, hỗ trợ giảm cân.
Loại gia vị này mặc dù rất được ưa chuộng bởi tính ứng dụng cao nhưng nó cũng có khả năng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nếu người sử dụng bị dị ứng
mật ong. Theo NCBI, dị ứng với mật ong là trường hợp rất hiếm gặp, ước tính chỉ có khoảng 0,001% dân số trên thế giới có thể mắc chứng này. Trong đó, hai nguyên nhân phổ biến nhất chính là dị ứng với phấn hoa hoặc với protein có trong mật ong.
Năm 1996, một nghiên cứu được thực hiện bởi nhà nghiên cứu Bauer trên 23 người nghi ngờ dị ứng mật ong. Sau khi sử dụng mật ong, họ có các triệu chứng từ ngứa nhẹ đến sốc phản vệ. Điều này đã chứng minh khá rõ ràng protein do ong mật tiết ra từ hầu họng và tuyến nước bọt hoặc protein có trong phấn hoa là nguyên nhân gây ra tình trạng này, theo Viện Y tế quốc gia (Mỹ).
Bác sĩ G.Karakaya - khoa Lồng ngực Bệnh viện Hacettepe (Thổ Nhĩ Kỳ) đã thực hiện cuộc khảo sát về những trường hợp người trưởng thành dị ứng với mật ong. Cụ thể, một giáo viên nam 50 tuổi đã tiếp xúc với mật ong khoảng 5 - 6 lần khi còn nhỏ và mỗi lần dùng đề gặp tình trạng nổi mề đay cấp tính và phù mạch. Hoặc bà nội trợ 68 tuổi thường xuyên bị đau bụng sau khi ăn mật ong từ khi còn nhỏ. Tình trạng đau bụng càng trở nên dày đặc hơn, ngoài ra còn xuất hiện thêm chứng nổi mề đay cấp tính, theo Elsevier.
Cá nhân khi
dị ứng với mật ong sẽ gặp các triệu chứng như: sổ mũi, hắt xì, ngứa họng, chảy nước mắt, phát ban, sưng tấy... Trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến đau đầu, buồn nôn, khó thở, tiêu chảy, ngất xỉu, sốc phản vệ. Tùy vào mức độ dị ứng mà các triệu chứng có thể diễn biến nặng hay nhẹ.
Mật ong gây phát ban. Ảnh: iStock
Các gia đình có con nhỏ dưới một tuổi cần lưu ý không cho trẻ sử dụng mật ong ở bất kỳ hình thức nào bởi bé sẽ bị ngộ độc, còn được gọi là "chứng ngộ độc thịt ở trẻ sơ sinh". Nguyên nhân do tiếp xúc với bào tử của vi khuẩn Clostridium Botulinum và mật ong có khả năng chứa loại khuẩn này. Nếu trẻ sơ sinh ăn phải, chúng sẽ sinh sôi trong ruột và gây ra các biến chứng như: táo bón, khó nuốt, vận động kém... nguy hiểm hơn có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh thậm chí tử vong.
Người có dấu hiệu dị ứng với mật ong cũng có khả năng dị ứng với các chế phẩm khác từ ong như: sữa ong chúa, phấn hoa, keo ong, vì vậy cần lưu ý khi lựa chọn sử dụng các sản phẩm có chứa các thành phần này. Khi gặp triệu chứng dị ứng với mật ong, mọi người nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám kịp thời, tránh dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.