Đằng sau sự thành công, tự lập của CEO 13 tuổi Mikaila Ulmer là những khó khăn và bài học "đắt giá" về cách bắt đầu phát triển một doanh nghiệp.
9 tuổi khởi nghiệp gọi vốn đầu tư 60.000 USD thành công từ “Shark Tank”
Mikaila Ulmer, 13 tuổi là người sáng lập và điều hành hãng nước chanh Me & The Bees Lemonade có trụ sở tại Austin, bang Texas. Tài không đợi tuổi, Mikaila Ulmer được tạp chí TIME vinh danh là một trong những thanh thiếu niên có ảnh hưởng nhất năm 2017. Cô bé gây kinh ngạc cho cả nước Mỹ và giới doanh nhân sau khi xuất hiện trên chương trình thực tế “Shark Tank”, thành công kêu gọi số vốn trị giá 60.000 USD từ nhà đầu tư Daymond John khi mới 9 tuổi. Bên cạnh đó, Mikaila Ulmer cũng cho biết cô bé sẽ xuất bản cuốn sách dành cho trẻ em, chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp.
Trong vài năm qua, Mikaila Ulmer đã có cơ hội được gặp gỡ cựu Tổng thống Barack Obama khi ông còn ở Nhà Trắng. Đầu năm 2017, Ulmer tham gia vào cuộc vận động gây quỹ Healthy Hive Foundation bảo tồn loài ong và trở thành thành viên tích cực của mạng lưới “People of Action” của Microsoft. Thậm chí, cô bé còn cùng mạng lưới Dell Women’s Entrepreneur (DWEN) tới nhiều quốc gia trên thế giới và gần đây nhất là Cape Town, Nam Mỹ để giảng dạy chương trình tài chính dành cho thanh thiếu niên. Thông qua đó, công ty của Ulmer đã thu hút thêm nguồn đầu tư trị giá 810.000 USD.
Mikaila Ulmer, CEO 13 tuổi từng có cơ hội gặp gỡ cựu Tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng.
Nhận được sự giáo dục, tư duy độc lập ngay từ nhỏ
Có thể nói, Mikaila Ulmer có được những thành công sớm như vậy phần nào nhờ cách giáo dục của bố mẹ. Ngay từ năm 4 tuổi, Mikaila Ulmer đã học cách sống và suy nghĩ độc lập. Không được chiều chuộng như các bạn cùng trang lứa, nếu Ulmer muốn có bất cứ thứ gì thì bố mẹ của cô bé sẽ đưa ra điều kiện và yêu cầu trao đổi. Ví dụ, Ulmer muốn mua đồ chơi mới thì cô bé sẽ phải làm việc nhà hoặc được bố mẹ cho mượn tiền và phải kinh doanh để trả lại.
Trong cuộc phỏng vấn với CNBC tại Hội nghị thượng đỉnh Nữ doanh nhân được tổ chức tại Hoa Kỳ vào tháng 11 vừa qua, Mikaila Ulmer chia sẻ: “Cháu có rất nhiều mục tiêu. Nhưng bố cháu đã dạy quan trọng nhất là bước từng bước một, hoàn thành từng mục tiêu nhỏ một cách chắc chắn”.
Sau khi mạnh dạn đăng kí tham dự “Shark Tank” để gọi vốn đầu tư cho hãng nước chanh của mình, Mikaila Ulmer cũng học hỏi được nhiều điều. Tuy là một trong những start-up trẻ tuổi, cô bé lại có những cái nhìn khá chín chắn về việc phát triển doanh nghiệp, điều quan trọng là phải tìm được những đối tác và cố vấn tốt.
“Cháu có thể làm nước chanh để bán ở các hội chợ. Nhưng điều đó vẫn chưa đủ, cháu đã tìm đến những cửa hàng thuyết phục họ chấp nhận bán nước chanh của cháu. Cuộc hợp tác thành công đầu tiên là với một cửa hàng Pizza ở Austin, họ đã nhận bán sản phẩm này”, Ulmer nói điều hành một doanh nghiệp khi chỉ mới 13 tuổi khiến cô bé phải đối mặt với nhiều khó khăn. Ulmer thường gặp rắc rối khi tìm nhà đầu tư và đối tác bởi ít ai muốn bàn chuyện làm ăn với một đứa trẻ.
Không chỉ vậy, Ulmer còn phải cân bằng giữa việc học và công việc: “Thật khó để có thể cân bằng mọi thứ. Nhưng cháu vẫn cố gắng đi học hàng tuần và làm bài tập về nhà. Đôi khi, cháu cũng ngủ quên như các bạn”.
Mục tiêu rõ ràng và đầy “tham vọng” của CEO 13 tuổi
“Cháu vừa tham gia một tổ chức phi lợi nhuận, hi vọng nó sẽ giúp sản phẩm của cháu được tiếp cận tốt hơn. Cháu hi vọng có thể đa dạng hóa sản phẩm không chỉ là nước chanh
mật ong mà còn nhiều hương vị mới khiến khách hàng thích thú. Nếu có thể, cháu muốn sản phẩm có thể phân phối quốc tế và đặt hàng thông qua trang web. Bên cạnh đó, cháu cũng có ý định suất bản một cuốn sách chia sẻ về những điều bản thân đã trải qua khi khởi nghiệp”, CEO “nhí” của công ty Me & The Bees Lemonade không ngại tiết lộ về mục tiêu trong năm 2018.
Cô bé Mikaila Ulmer nảy ra ý tưởng khởi nghiệp sản xuất nước chanh mật ong nhằm bảo tồn loài ong ở địa phương từ năm 9 tuổi. Mikaila Ulmer là nhân vật truyền cảm hứng cho những người khởi nghiệp: không bao giờ là quá sớm hay quá muộn để bắt đầu kinh doanh. Theo Mikaila Ulmer, yếu tố quan trọng khi khởi nghiệp là phải có đam mê với công việc, tìm một người truyền cảm hứng cho bạn, xem họ làm gì và học theo cách họ đã làm.